Đại lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại chùa Đại Hùng năm 2025 được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Trong hai ngày 09 và ngày 10/3 âm lịch (tức ngày 06 và 07/4/2025), đã có hàng ngàn lượt du khách, đồng bào Phật tử trong cả nước trở về tham dự, thành kính bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc Thủy tổ các Vua Hùng đã có công dựng nước, thể hiện nét đẹp văn hóa, sự hòa quyện giữa niềm tin tâm linh Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, khơi dậy truyền thống cha ông, gắn chặt tinh thần đoàn kết triệu người như một, tạo nên mạch nguồn sức mạnh dân tộc của người dân Việt Nam.

Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2025 tại di tích chùa Đại Hùng – Kinh đô Ngàn Hống, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh có quy mô cấp tỉnh. Chương trình được sự phối hợp chặt chẽ giữa Đại đức Thích Thanh Vượng - Trụ trì chùa Đại Hùng và chính quyền địa phương.
Phần lễ dâng hương chính được tổ chức tại đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương có sự quang lâm của chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN thị xã Hồng Lĩnh, các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, các địa phương trong tỉnh, thị xã.
Trước đó là lễ rước kiệu linh vị các đời vua Hùng do các nam thanh niên trong trang phục người Việt cổ và Đạo tràng Phật tử chùa Đại Hùng, nhân dân cùng cung rước trong tiếng nhạc thiền.
Trong hai ngày diễn ra đại lễ đã có hàng trăm phái đoàn tập thể các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Tĩnh và hàng ngàn lượt đồng bào nhân dân Phật tử trên cả nước về dâng hương, tưởng niệm, chiêm bái quần thể di tích, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Phần hội mang nhiều nội dung phong phú đa dạng như: Chương trình hát múa, trống hội “Huyền thoại đất Phượng Hoàng” được dàn dựng công phu, tái hiện truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, tế lễ dân gian, võ thuật, múa Lân – Sư – Rồng, thi gói bánh chưng, bánh dày vv... Nội dung cũng như trang phục trong phần hội của các diễn viên thể hiện được rõ bản sắc văn hóa, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt là cho các thế hệ trẻ.
Đại lễ Quốc tổ Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chương trình được diễn ra tại khu di tích chùa Đại Hùng là hoạt động thể hiện sự gắn kết giữa Đạo và đời, mang nét văn hóa tín ngưỡng gắn liền với tôn giáo, cũng là phương châm trong hoạt động Phật sự của các tự viện Phật giáo tại Việt Nam.
Trong hành trình lịch sử ngàn năm của dân tộc, di tích chùa Đại Hùng là nơi gắn với huyền sử Thủy tổ Kinh Dương Vương, nhà nước Xích Quỷ, truyền thuyết chim Phượng Hoàng, núi Hồng từ thuở khai sơn, lập địa, dựng đô Ngàn Hống. Trong những năm qua, tại đây Đại lễ được tổ chức thường niên, đây không chỉ là hoạt động văn hóa tâm linh, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân cường nước thịnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn chặt giữa văn hóa tâm linh và tín ngưỡng, giữa Đạo và đời, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng – kinh đô Ngàn Hống thời gian qua đã được tôn tạo cụm công trình gồm: Khu đền Thượng nơi thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng - chùa Đại Hùng là nơi tu tập của chư Tăng, Phật tử, nơi nương tựa tâm linh cho đồng bào Hồng Lĩnh, ngày nay được sự quan tâm của các cấp chính quyền, khu di tích đã trở thành điểm đến văn hóa tâm linh được đông đảo Nhân dân và du khách thập phương trở về dâng hương, chiêm bái, tìm hiểu về lịch sử. Đại Hùng thực sự đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá vẻ đẹp của vùng đất miền Trung, Núi Hồng - Sông La, góp phần quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Thượng tọa Thích Chơn Thành - Trưởng ban văn hóa GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng BTS Phật giáo thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: Trong hoạt động Phật sự tại địa phương chư Tăng Ni luôn làm tốt phối hợp cùng chính quyền trong mọi công việc, nhất là công tác an sinh xã hội. lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại di tích chùa Đại Hùng được phối hợp giữa Phật giáo và chính quyền, không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nó làm gắn kết chặt chẽ giữa Tôn giáo và tín ngưỡng, góp phần phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Phật giáo với tôn chỉ mục đích luôn đồng hành cùng dân tộc, chư tăng ni luôn tu tập tự thân, giáo hóa cho hàng Phật tử phải làm sao cho tốt cho đạo, đẹp cho đời, giữ lòng tôn kính đối với tổ tiên. Đó chính là tinh thần tứ trọng ân của nhà Phật.
PV: TrongHaitb