Chứng minh buổi lễ có NS. Thích Đồng Hòa, Ủy viên Thường trực Ban TTTT Trung ương GHPGVN, Ủy viên BHP Trung ương GHPGVN; NS. Thích Hiền Thảo, Trụ trì chùa Bồ Đề, Trưởng BTC; cùng chư Ni tại bản tự và Chính quyền, nhân dân, Phật tử địa phương sở tại đồng tham dự.
Mở đầu buổi lễ là nghi thức thỉnh Phật, tuyên kinh, cúng dàng ngày lễ Vu lan Báo hiếu. Tiếp theo buổi lễ tâm linh cầu siêu cho các gia đình, NS. Thích Đồng Hòa đã chia sẻ một thời pháp thoại về “Ý nghĩa Vu lan – Báo hiếu cho Cha Mẹ và Gia Tiên” đến với chính quyền, bà con nhân dân, Phật tử nơi đây. Ni sư cho biết: Với mỗi người con hiếu thảo thì báo hiếu không chỉ mùa Vu Lan tháng bảy, mà phải là Vu Lan trong “tâm khảm”, trải dài trong từng khoảnh khắc thời gian, cho đến mỗi lời nói, hành động hàng ngày, đó mới là cách báo hiếu thực chất nhất.
Tiết trời tháng bảy Vu Lan,
Dù đi muôn hướng, muôn ngàn trùng dương.
Lòng con không khỏi vấn vương,
Quay về nguồn cội, nhớ thương mẹ hiền.
Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân văn của Phật giáo đó là “từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, hay “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… lễ Vu Lan mở ra cả một chiều sâu ý nghĩa của mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp báo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau.
Báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức của mỗi con người. Vì vậy báo hiếu là việc ai ai cũng cần nuôi dưỡng và thực hành hàng ngày, do đó, con người nếu đã hiếu nghĩa với cha mẹ, họ hàng thì sẽ có trách nhiệm yêu thương, trân quý quốc gia mà mình đang sinh sống; thầy cô, bè bạn; mở rộng ra là với toàn thể nhân loại và pháp giới chúng sinh.
Ðạo Phật là đạo hiếu, lấy tình thương yêu con người và cả vạn loài làm đầu. Tình thương này bắt nguồn từ tình thương cha mẹ, sau đó mới mở rộng ra thành tình người, tình nhân loại, tình chúng sinh. Chính vì vậy, trong các kinh điển Phật giáo, đức Phật dạy về đạo hiếu nhiều không thể kể hết. Do đó, muốn tu theo Phật giáo phải lấy chữ “hiếu” làm đầu bởi vì trong kinh Phật đã dạy: “Phụng thờ cha mẹ là phụng thờ Đức Phật”. Như vậy, không phải cứ đến mùa Vu Lan chúng ta mới có dịp để báo hiếu cho cha mẹ mà Vu Lan là dịp để nhìn nhận lại hành động hiếu thảo của mình, qua đó điều chỉnh và uốn nắn chúng ta sống đúng theo “đạo làm con, làm cháu”, đặc biệt đúng theo tinh thần “tứ ân” mà Đức Phật đã chỉ dạy…
Cũng tại buổi lễ, chư Tôn đức Ni, các vị đại biểu chính quyền, nhân dân, Phật tử địa phương đã tiến hành nghi thức tụng niệm Kinh Vu Lan, tuyên sớ cầu an, cầu siêu cho nhân dân, Phật tử theo nghi thức truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Cầu mong cho đất nước hòa bình, nhân dân an lạc, vạn sự cát tường, hanh thông như ý.
NS. Thích Đồng Hòa